Hương cỏ

Có một ngày, chợt nhận ra mình nhớ một mùi hương nào đó, một chút nồng nàn, một chút ngai ngái, hoang dại. Lục lại trong tâm trí đi tìm một cảm giác bình yên ở một nơi nào đó đã từng qua.

  • “Màu xanh, đúng rồi, đó là điều tôi nghĩ tới. Màu xanh gì? Lam ư? Không phải. Xanh lá? Đúng rồi. Mà là ở đâu?”

Đồng cỏ…..Bất tận…..Vùng đất Phương Nam.

Những khái niệm đó đưa tôi về với Vùng cỏ bàng Miền Tây – vùng đất của những cánh đồng cỏ bàng bất tận. Trên hành trình hôm đó, từ Long An, qua Tiền Giang, xuôi xuống Hà Tiên, tôi băng qua những màu xanh của những rặng dừa, của cỏ cây hoa lá, màu xanh của những đồng cỏ bàng xanh mướt.

Nếu như Miền Bắc có cây cói rất đỗi quen thuộc thì Miền Tây có cây cỏ bàng. Gọi là “cỏ” nhưng đây là loài cây thuộc họ cói, với thân ống cứng, mình tròn. Cỏ bàng thích nghi tốt nhất ở vùng đất sình lầy, phèn chua của vùng Đồng Tháp Mười – Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Ghé qua Long An, xuôi về Tiền Giang mùa con nước, cảm giác bao trùm là ngạc nhiên trước sự mênh mông của những cánh đồng cỏ bàng. Những cánh đồng cỏ bàng tự nhiên không còn nhiều, thay vào đó là những cánh đồng cỏ bàng được người dân trồng và chăm bón theo quy trình. Vào mùa nước nổi, cỏ bàng sinh trưởng rất nhanh, chiều cao trung bình có thể từ 1m5 đến 2m với thân ống to và màu xanh mướt.

Hành trình tới thăm huyện Giang Thành (Tỉnh Kiên Giang) – Huyện giáp biên giới Campuchia có lẽ là trải nghiệm tuyệt vời nhất. Khác với cỏ bàng ở Miền Trung hay vùng Long An hoặc Tiền Giang, đồng cỏ bàng Phú Mỹ là đồng cỏ bàng tự nhiên, được mọc lên trên vùng đất ngập nước nguyên thủy còn sót lại với diện tích lớn nhất của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Vùng đất này có đặc trưng là vùng đất nhiễm phèn nặng, giàu hữu cơ, ngập theo mùa… Cỏ bàng mọc khắp nơi, nhưng tập trung chủ yếu tại Khu bảo tồn loài và sinh vật Phú Mỹ – nơi từng đón hơn 200 cá thể sếu đầu đỏ vào năm 2009. Tại khu bảo tồn này, cỏ bàng được chăm sóc đúng cách để đảm bảo cho mục đích phát triển bền vững: thay vì cắt cỏ bàng, người đân Phú Mỹ sẽ nhổ cả cây để cỏ bàng không bị kiệt quệ; thay vì tưới bón để cỏ bàng phát triển cao lớn, việc tiến hành khảo sát và tiêu diệt những loài sinh vật ngoại lai xâm hại bên trong và xung quanh khu vực được ban quản lý tiến hành thường xuyên; thay vì trồng để lấy năng suất, các hoạt động giáo dục môi trường nhằm nâng cao nhận thức về cộng đồng và tầm quan trọng của công tác bảo tồn cỏ bàng trong khu vực Dự án được đưa lên hàng đầu. Từ những lý do kể trên, cỏ bàng vùng Phú Mỹ có đặc điểm khác biệt: thân nhỏ, bề mặt bóng, dẻo và dai hơn so với cỏ bàng các khu vực Miền Trung.

Không ai biết loài cỏ bàng có từ khi nào, chỉ thấy cứ đến mùa nước nổi đồng bào Kh’mer ở vùng này thường ra đồng nhổ cỏ bàng về, phơi khô, giã thành những sợi mỏng để đan thành những đồ dùng phục vụ cho sinh hoạt.. Sản phẩm là những chiếc nệm càng nằm càng bóng, là những chiếc giỏ càng xách càng dai…

Ngày nay khi xã hội phát triển, dùng những sản phẩm thân thiện với môi trường trở thành một xu hướng, cỏ bàng không chỉ dừng lại là chiếc nệm hay cái giỏ…Qua bàn tay khéo léo của những nghệ nhân đơm cỏ bàng, sự sáng tạo của các nhà thiết kế, cỏ bàng trở thành chất liệu chính cho những sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp và những sản phẩm thời trang mang tính ứng dụng cao. Bình dị, mộc mạc đó nhưng giá trị nghệ thuật và văn hóa lớn lao vô cùng.

“Trắng da vì bởi mẹ cưng

Đen da vì bởi lội bưng nhổ bàng”

2 thoughts on “Hương cỏ

  1. exness vietnam says:

    I used to be suggested this web site by means of my cousin. I
    am no longer sure whether this put up is written by way of him as no one else recognize such targeted
    about my difficulty. You’re wonderful! Thanks!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *